Islam và chúng ta
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

Keywords

2014  tranh  2011  2010  thái  2015  ngày  trắng  2016  nghĩa  

Latest topics
March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Calendar Calendar

Top posting users this month
dinhtoan
Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Vote_lcapIslam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Voting_barIslam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Vote_rcap 


Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc )

Go down

Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Empty Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc )

Bài gửi  dinhtoan Fri Jan 13, 2012 8:35 pm

Nhận định mới về người Chăm tại Hải Nam
Pgs. Ts. Po Dharma
(Viện Viễn Đông Pháp)

Hải Nam là hòn đảo nằm ở phía nam của Trung Quốc tập trung nhiều dân tộc bản địa trong đó có một nhóm người theo Hồi Giáo, nói tiếng Mã Lai Ða Ðảo rất gần gũi với tiếng Chăm (P. K. Benedict, 1941; Keng Fong Pang & Ian Maddieson, 1993; Natalia F. Alieva, 1991; A Haudricourt, 1984, G. Thurgood, 1993).

Theo bản điều tra dân số do chính quyền Hải Nam cung cấp vào năm 1983, dân tộc theo đạo Hồi này có vào khoảng 3924 người sinh sống trong hai làng Huihui và Huixin gần thành phố Sanya nằm về phía nam của Hải Nam. Dân tộc Hoa gọi họ là người Hui, cụm từ ám chỉ chung cho người Hồi Giáo tại Trung Quốc.

Kể từ đầu thế kỷ thứ 20, nhóm người Hồi sinh sống tại Hải Nam trở thành đề tài tranh luận sôi nổi chung quanh vấn đề họ có phải là người Chăm từ vương quốc Champa sang lánh nạn hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, một số nhà nghiên cứu cho rằng tập thể người Hồi ở Hải Nam không phải là dân tộc Chăm, mà là nhóm người bản địa có mặt trên hòn đảo này từ hàng ngàn thế kỷ qua, nói tiếng Mã Lai Ða Ðảo, như người Paiwan, Atayal và Tsou có mặt trển đảo Ðài Loan hôm nay (J. K. Davidson, 1903). Ngược lại, ông F. M. Savina (1929: 4, 22) thì nghĩ rằng dân tộc Hồi Hải Nam là nhóm người Mã Lai tị nạn trên hòn đảo này một khi thuyền bè của họ bì chìm gần đảo Hải Nam. Trong khi đó, những nhà nghiên cứu khác như P. K. Benedict (1941), P. Y. Manguin (1979), Keng Fong Pang (1988), L. Sagart (2003), Claudine Lombard-Salmon (2008), v.v., thì cho rằng nhóm người Hồi ở Hải Nam là thần dân của vương quốc Champa chạy sang lánh nạn tại Hải Nam kể từ thời nhà Sống (thế kỷ thứ X-XII), nhưng các tác giả này cũng không nêu ra những bằng chứng cụ thể nào để chứng minh cho giả thuyết của mình.
Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Untitl16
Chăm Hồi Giáo tại làng Huihui, Hải Nam (Photo Po Dharma, 14-12-2011)

Nguồn tư liệu lịch sử

1). Hải Nam tiếp cận với Hồi Giáo kể từ thời nhà Tầng (618-906)

Cũng nhờ công trình nghiên cứu của G. E. Gerini (1974 : 471), Chen Dasheng và Claudine Salmon (1989 : 79), người ta mới có cơ hội để biết đến những tài liệu Trung Hoa viết vào thời nhà Tầng (618-906) nói về đảo Hải Nan là trung tâm tị nạn dành cho các thủy thủ của người Á Rập và Ba Tư kể từ thế kỷ thứ VIII, vì tàu bè của họ đã gặp bảo gió trên biển Nam Hải. Sự hiện diện của họ cấu thành yếu tố giải thích cho sự ra đời của đạo Hồi trên hòn đảo nằm ở miền nam Trung Hoa hôm nay.

Theo Chen Dasheng và Claudine Salmon (1989 : 80), vị tu sĩ Phật Giáo Trung Hoa thường sang viếng thăm Nhật Bản tên Jian Zhen (686-763) là người đầu tiên trong lịch sử ghi lại vài sự kiện liên quan đến sự hiện diện của người Á Rập tại Hải Nam. Trong một cuốn nhật ký, ông Jian Zhen kể rằng trên đường công du Nhật Bản lần thứ năm, tàu của ông buộc phải cập bến ở Zhenzhou (hiện nay là Yacheng) của Hải Nan để trốn tránh bão táp. Theo vị tu sĩ này, Zhenzhou (Hải Nam) còn gọi là bến Fanfang Gang, tức là hải cảng của người nước ngoài. Cũng vào thời điểm đó, Feng Ruofang là vị thủ lãnh của một địa phương ở Hải Nam, đã từng cướp phá tàu của người Á Rập và Ba Tư và bắt sống nhiều thủy thủ của họ để làm người nô lệ của mình. Dựa vào nhật kí của vị tu sĩ Phật Giáo này, Chen Dasheng và Claudine Salmon (1989 : 80) đưa ra kết luận rằng vào thế kỷ thứ VIII, đã có một số người Á Rập có mặt tại xã Lingshui của đảo Hải Nam.

Bên cạnh nhật ký của Jian Zhen (686-763), một tác phẩm khác viết bằng tiếng Hán mang tựa đề là Taiping Guangji được trích dẩn bởi Chen Dasheng & Claudine Salmon (1989 : 80) cũng ghi rằng dân cư của xã Zhenzhou (hiện nay là Yacheng, Hải Nam) thường hay cướp phá các thương thuyền nước ngoài xâm nhập vào hải phận của mình. Ðiều đáng chú ý nhất là tác phẩm này cho biết kể từ thế kỷ thứ VIII có một cộng đồng người nước ngoài bắt đầu phát triển địa bàn dân cư của họ tại hai khu vực Yacheng và Lingshui của Hải Nam nơi mà người ta tìm thấy nhiều bia ký Hồi Giáo của người Á Rập

Phải chờ đến cuối thế kỷ thứ IX, tài liệu Trung Hoa mới nhắc đến người Chăm có mặt tại Hải Nam. Theo một vị tu sĩ Nhận Bản tên là Ennin đã ghé thăm Hải Nam vào năm 838, có rất nhiều người Ba Tư và Chăm tham gia vào công trình trùng tu chùa Phật Giáo tại khu vực Yangzhou của hòn đảo này. Chính vì thế, một số nhà nghiên cứu cho rằng người Ba Tư và Chăm vào thời điểm đó không phải là người đã theo Hồi Giáo, vì họ góp công và cho cả tiền bạc để tu sửa chùa Phật Giáo (R. Lévy, A. Michel, 1961: 79; Claudine Lombard-Salmon, 2004: 36).

4). Mối liên hệ giữa Hải Nam và Champa dưới thời nhà Sống (960-1279)

Biên niên sử nhà Sống của Trung Hoa là nguồn tư liệu lịch sử cũng nêu ra mối liên hệ giữa thương thuyền người Hồi Giáo và vương quốc Champa, nhất là đề cập đến những nhân vật mang tên họ Pu thường đóng một vai trò quan trọng tại vương quốc Champa, trong khu vực Đông Nam Á và trên hải cảng ở miền nam Trung Hoa.

Dựa vào chi tiết này, các nhà nghiên cứu như F. Hirth et W. W. Rockhill (1911 :16-64) cho rằng Pu ở đây là cách phiên âm từ tên gọi Abu của người Á Rập. Kể từ đó P-Y. Manguin (1979 : 258) cũng đồng tình với quan điểm của Hirth và Rockhill hầu đi đến kết luận rằng những nhân vật mang họ Pu có mặt tại Champa có thể là nguời Á Rập hay người Hồi. Ngược lại, ông Ferrand (1922 : 9) và (Pelliot, 1963. II : 389) thì cho rằng tên gọi Pu ở đây không nhất thiết phát xuất từ Abu của người Á Rập mà là từ tên gọi của dân tộc Mã Lai Đa Đảo. Ở khu vực Indonesia thì có họ Pu và Champa cũng có họ Po.

Theo công trình nghiên cứu của Ch'en T'ieh-fan và Franke (1973) mà ông P-Y. Manguin (1979 : 258) đã trích dẩn, Pu là tên gọi thường nêu ra trong tư liệu của Trung Hoa kể từ thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau Tây Lịch), không nhất thiết ám chỉ cho người Á Rập theo Hồi Giáo mà có thể ám chỉ cho một số nhân vật xuất thân từ vuơng quốc Champa. Dựa vào danh sách các nhà ngọai giao đăng trong Sống Chí (Song Shi, chương 489, trang 3b-lla), nhà nghiên cứu P-Y. Manguin (1979 : 259) cho rằng kể từ thế kỷ thứ X, vương quốc Champa gởi nhiều phái đoàn sang viếng thăm nhà Sống (960-1279) trong đó có một người mang tên là Pu He San mà ông Manguin cho đó là tên gọi của Abdul Hasan. Ông Pu He San là nhân vật ngoại giao Champa đã từng viếng thăm Trung Hoa hai lần vào năm 951 và 972.

Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Untitl17
Cổng vào thôn Huixin của Chăm Hồi Giáo tại Hải Nam (Photo: Po Dharma, 14-12-2011)

P-Y. Manguin (1979 : 259) và Claudine Lombard-Salmon (2004 : 43) cũng cho biết thêm, duới thời nhà Sống có một số gia đình mang tên họ Pu hay Bu định cư tại tỉnh Quảng Châu (Guangzhou, Canton) và Tuyền Châu (Quanzhou) là những người Hồi Giáo Á Rập có tiếng tâm về tài sản trong vùng. Gia đình này có ghé sang Champa trước khi đến lập nghiệp ở Trung Hoa. Thêm vào đó, Claudine Lombard-Salmon (2004 : 43) còn cho biết một nhân vật người Hoa tên là Yue Ke kể rằng vào năm 1192 thân phụ của ông là người lảnh đạo tỉnh Guangnan (Canton) có mối liên hệ mặt thiết với gia đình Hồi Giáo họ Pu, từ vương quốc Champa sang lánh nạn tại Canton. Tiếc rằng Claudine Lombard-Salmon không cho biết gia đình họ Pu ở Canton có thường liên hệ hay không với gia đình họ Pu ở đảo Hải Nam.

Cũng vào cuối thế kỷ thứ X, các tài liệu viết bằng tiếng Hán và truyền thuyết địa phương không ngừng nói đến sự hiện diện của người Hồi Giáo tại vuơng quốc Champa. Dựa vào tác phẩm Sống Chí (Song Shi, chương 489: 4b-5a), P-Y. Manguin (1979: 259) và G. Maspero (1928: 123-125) cho biết vào năm 986, Lưu Kỳ Tông là nhân vật gốc người Việt đã vùng dậy để chiếm đoạt ngôi vuơng tại Champa. Biến cố này đã đưa đây ông Pu Lo E gốc người Champa chạy sang Hải Nam lánh nạn tại khu vực Danzhou (xem them: Chen Dasheng & Claudine Salmon, 1989 : 80; L. Y. Andaya, 2008 : 45). Vài năm sau, ông Li Nianq Binq (năm 987) và Нu Xuan (năm 988) cũng hướng dẩn hàng trăm người Champa chạy sang Canton lánh nạn. Theo P-Y. Manguin (1979: 259) và Chen Dasheng & Claudine Salmon (1989 : 80), Hu Xuan gốc người Champa chạy sang Hải Nam lánh nạn có thể là cách phát âm Hồi Giáo của Husain và Pu Lo E phát xuất từ Abu Rao của tên gọi Á Rập. Điều này đã chứng minh rằng vào cuối thế kỷ thứ X đã có người Hồi Giáo từ Champa sang lánh nạn tại Hải Nam và miền nam Trung Hoa.

Tóm lại, kể từ thế kỷ thứ VIII, vương quốc Champa không ngừng có mối liên hệ với các nhà buôn Á Rập tại miền nam Trung Hoa và gia đình người Hồi mang tên họ Pu hay Bu. Và mối liên hệ này càng ngày càng phát triển mạnh kể từ thế kể thứ X. Lúc ban đầu, cộng đồng người Chăm đến Hải Nam không nhất thiết là người đã theo Hồi Giáo. Nhưng vì mối giao lưu với các thương thuyền Á Rập trên hải cảng của miền nam Trung Hoa, một số người Chăm tị nạn ở Hải Nam chấp nhận du nhập vào cộng đồng Hồi Giáo của người Á Rập đã có mặt trên hòn đảo này. Đây chỉ là yếu tố nằm trong tiến trình phát triển đạo Hồi trong khu vực Đông Nam Á mà thôi (P-Y. Manguin, 1979: 260).

Hải Nam nhìn qua tác phẩm Dư Ðịa Chí Yazhou

Dư Ðịa Chí Yazhou (Hải Nam) là tác phẩm viết bằng tiếng Hán kể lại những gì đã xảy ra tại Hải Nam dưới thời nhà Sống (thế kỷ X-XII) và nhà Yuan (thế kỷ XIII-XIV). Dựa vào nội dung của tác phẩm này, Chen Dasheng & Claudine Salmon (1989 : 81) cho rằng những người nước ngoài định cư tại Hải Nan là dân tộc xuất thân từ vương Champa. Vì tình hình chiến tranh đã diễn ra trong vương quốc này, người Champa tìm cách rời bỏ quê hương để sang Hải Nan lánh nạn và phát triển địa bàn dân cư của họ tại xã Yazhou (Hải Nam). Lúc ban đầu những người Chăm tị nạn tại Hải Nan thường định cư ven biển chạy dài từ khu vực Da Dangang cho đến Suanmei. Sau đó, họ tập trung vào một khu vực mang tên là Fancun, tức là «làng người nước ngoài».

Trong tác phẩm Dư Ðịa Chí Yazhou do Chen Dasheng & Claudine Salmon (1989 : 81) đã trích dẩn có những đoạn sau đây nói về người nước ngoài tại Hải Nam :

Dưới thời nhà Sống và Yuan, tất cả người nước ngoài ở Hải Nan đều có họ Pu. Sau này, họ thay đổi tên gọi để lấy họ khác. Họ không ăn thịt heo và không thờ cúng ông bà. Họ không thờ đa thần và thường hay xây dựng thánh đường. Họ có đồng phục và mủ mão màu trắng và rất thích đọc kinh thánh. Họ là những người rất ngoan đạo. Một khi có tai nạn hay bệnh tặc, họ thường tập trung để cầu nguyện trước kinh thánh. Những ai đã đến nước Á Rập hay thấy mộ của Thiên Sứ Muhammad rất được trong nể trong xã hội. Họ không bao giờ lấy vợ với người cùng thân tộc và không bao giờ theo văn hóa người Hán

5) Hải Nam vào thế kỷ thứ XVIII-XX

Theo Chen Dasheng & Claudine Salmon (1989 : 82), Gujin Tushu Jicheng là tư liệu chính thức của Trung Hoa viết vào thế kỷ thứ XVIII đưa ra nhận định rằng những dân tộc Hồi tại Hải Nan là cộng đồng xuất thân từ vương quốc Champa sang Hải Nam lánh nạn tại Fancun tức là «làng người nước ngoài» và Fanpu tức là «bến tàu của người nước ngoài». Vào thế kỷ thứ XVIII, hai khu vực này thuộc quận Sanya nằm ở phía nam của Hải Nam. Sau cuộc cướp phá của người Nhật Bản dưới thời nhà Qing (1644-1912), dân tộc Hồi ở Hải Nan tìm cách tập trung lại tại hai địa điểm Huihui và Huixin thuộc đơn vị hành chánh của Yanglan cách xa thành phố Sanya của Hải Nam vào khoảng 15 cây số về phía tây.

Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Untitl18
Phụ nữ Chăm Hồi Giáo Hải Nam tiếp xúc với Po Dharma và Gs. Niu Junkai ngày 14-12-2011. (Photo: Po Dharma)

7). Hải Nam nhìn qua lăng kính của các nhà nghiên cứu Stübel

Vào năm 1927, nhà truyền giáo F. M. Savina (1927: 4, 22) nghĩ rằng cộng đồng Hồi Giáo sinh sống tại Sanya ở Hải Nam là thành phần dân tộc Mã Lai, tổng cộng vào khoảng 400 gia đình. Mười năm sau, tức là năm 1937, nhà nghiên H. Stubel do P. Y. Manguin (1979: 259) trích dẩn cho biết những người Hồi ở Hải Nam chuyên sống về nghề biển và xây dựng 4 thánh đường tại Sanya. Hôm nay thánh đường này vẫn còn tồn tại, trở thành trung tâm truyền bá ngôn ngữ Á Rập và kinh thánh Hồi Giáo cho những con em của họ. Theo ông H. Stubel, dân tộc Hồi này có ngôn ngữ riêng mà người Trung Hoa gọi là Fanyu tức là «ngôn ngữ của người nước ngoài», trong khi đó ông P. K. Benedict (1941 : 129-134), G. Thurgood (1993 : 91-106), Marc Brunelle (1999 : 47) cho rằng người Hồi ở Hải Nam sử dụng ngôn ngữ rất gần gũi với tiếng Chăm. Qua cuộc điều tra thực hiện vào năm 1988, bà Keng Fong Pang (1988 : 55) cũng cho biết cộng đồng người Hồi sinh sống tại Hải Nam là thần dân Champa. Họ tự gọi họ là người U Tsat (cách phiên âm của bà Keng Fong Pang) nói tiếng Mã Lai Ða Ðảo rất gần gũi với ngôn ngữ Chăm.

Người Hồi Hải Nam là ai?

Champa là vương quốc nằm trên vị trí chiến lược của con đường hàng hải nối liền Ấn Ðộ Dương với bể Nam Hải. Chính vì thế, vương quốc này đã trở thành trung tâm giao lưu văn háo và đón nhận nhiều nền văn minh của nước ngoài trong đó có Hồi Giáo.

Trước cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, người Chăm đã từng rời bỏ quê hương để sang các nước láng giềng lánh nạn. Campuchia là quốc gia đón tiếp số lượng đông đảo nhất người Chăm tị nạn (khoảng 400 000 người), sau đó là Mã Lai (khoảng 25 000 nguời), Thái Lan (khoảng 5 000 người), v.v. Chính vì thế người ta không ngạc nhiên cho lắm về sự hiện diện của thần dân Champa tại đảo Hải Nam mà tài liệu Trung Hoa đã từng xác nhận (Po Dharma, 1981 : 161-183 ; Mohamad Zain Musa 2011)


Nhân dịp viếng thăm Hải Nam vào ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2011, chúng tôi có tiếp xúc với những người Hồi lớn tuổi định cư trên hòn đảo này. Họ tự gọi họ là người U Chăn đôi lúc U Chăng (thay vì người U Tsat như bà Keng Fong Pang đã nêu ra). Cách phát âm của họ bị ảnh hưởng tiếng nói của người Trung Hoa, thành ra rất khó mà phân biệt những phụ âm ở cuối từ. Họ cho họ là người nói tiếng Chăn hay tiếmg Chăng, sinh sống trên đảo Hải Nam từ lâu đời, nhưng họ không bao giờ nghe đến tên gọi Champa và cũng không biết vương quốc Champa nằm ở nơi nào. Riêng về thành phần giới trẻ U Chăn hay U Chăng có học, họ cho rằng họ là dân tộc xuất thân từ vương quốc Champa, vì sách báo Trung Hoa và sinh viên Chăm mà họ đã từng tiếp xúc tại Medinah (Saudi, Á Rập) nêu ra vấn đề này, chứ không phải truyền thống của người U Chăn kể lại.

Dân tộc U Chăn hay U Chăng tập trung trong hai làng Huihui và Huixin gần thành phố Sanya của Hải Nam. Tất cả tư liệu lịch sử viết bằng tiếng Hán mà chúng tôi vừa nêu ra đều công nhận rằng tại đảo Hải Nam có một nhóm người theo đạo Hồi từ vương quốc Champa sang lánh nạn kể từ thời nhà Sống. Dân tộc U Chăn hay U Chăng tại Hải Nam là nhóm người theo Hồi Giáo nhưng không bao giờ nghe đến danh xưng Champa.Thế thì ngườ U Chăn hay U Chăng hôm nay có phải là dân tộc Chăm hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi chỉ còn giải pháp là quay về yếu tố ngôn ngữ để chứng minh cho nguồn gốc dân tộc U Chăn hay U Chăng tại Hải Nam hôm nay. Theo quan điểm của chúng tôi, U Chăn hay U Chăng ám chỉ cho người Hồi sinh sống tại Hải Nam là cụm từ chia làm hai âm rõ rệt :

1). Nguyên âm U

Nguyên âm U là cách phát âm của Urang trong tiếng Chăm, có nghĩa là con người, nhân loại. Thí dụ, người Hồi Hải Nam gọi người Trung Hoa là U lo, tức là Urang Laow (người Hoa) của tiếng Chăm hôm nay. Người Hồi Hải Nam cũng thường nói : Kau U Chăn nhu U Lo. Tiếng Chăm hôm nay : Kau urang Chăn nhu urang Laow (tôi là người Chăn, nó là người Trung Hoa)

2). Cụm từ Chăn hay Chăng

Theo chúng tôi, Chăn hay Chăng ở đây là cách phát âm của cụm từ Cam, tức là người Chăm. Thay vì phụ âm (m), người Hồi Hải Nam biến thành phụ âm (n hay ng). Đây là cách phát âm rất gần gủi với dân tộc Raglai hôm nay.

Dù cách phát âm hơi khác biệt đi nữa, cụm từ U Chăn hay U Chăng vẩn mang ý nghĩa là Urang Chăn ám chỉ cho người Chăn. Ðây là thí dụ mà người Hồi Hải Nam thường sử dụng : Kau u chăn phai khad chăn. Người Chăm Việt Nam hôm nay thì nói rằng: Kau urang can bac akhar can (tôi là người Chăn đọc tiếng Chăn)

Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Untitl13
Imam Chăm Hôi Giáo tại làng Huihui, Hải Nam

Gần một thế kỷ qua, hầu hết các nhà nghiên cứu như Laurent Sagart (2003), Haudricourt (1984), Benedict (1984), Thurgood (1993, 1999), Keng Fong Pang (1988), v.v. đều cho rằng dân tộc Hồi Hải Nam sử dụng ngôn ngữ rất gần gũi với tiếng Chăm, nhưng họ chỉ trình bày vài thí dụ sơ sài không thuyết phục cho lắm. Vì rằng danh sách từ vựng mà các tác giả này đưa ra như Sa (số 1), Dua (số 2), Mata (con mắt), Bingu (bông, hoa), v.v. chỉ là gốc từ chung của ngôn ngữ Mã Lai Ða Ðảo mà người Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân trong đó có người Chăm, Raglai, Churu, v.v., đều sử dụng trong cuộc đàm thoại hàng ngày. Kể từ đó, người ta không thể dựa vào một số từ như Sa (số 1), Dua (số 2), Mata (con mắt), Bingu (hoa) mà người U Chăn hay U Chăng thường sử dụng để đưa ra kết luận họ là dân tộc nói tiếng Chăm.

Qua cuộc tiếp xúc với người U Chăn hay U Chăng tại Hải Nam vào ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2011, chúng tôi ghi nhận rằng họ là tập thể nói tiếng Chăm cổ đại, rất gần gũi với ngôn ngữ của người Raglai và Churu. Ðây là những thí dụ điển hình mà chúng tôi đã tiếp thu nhân dịp viếng thăm thôn làng của người U Chăn:

U Chăn Hải Nam Chăm Việt Nam Việt

Phu min Phun min cây me
Sang piok Sang prong nhà lớn, ám chỉ thánh đường
Nao ndik Nao ndih đi ngủ
Huik aia Huic aia uống nước
Hua aia bu Huak aia bai ăn cơm
Bo tay Boah Patay trái chuối
Lo phui Ralaow pabuei thịt heo
Lo mo Ralaow lamaow thịt bò
U lo Urang Laow người Trung Hoa
Phai khad Bac akhar đọc chữ
Ngau U lo Ngap urang laow làm người Hán


Ai cũng biết tiếng Chăm là ngôn ngữ nằm trong gia đình Mã Lai Ða Ðảo có hai nguồn gốc từ vựng rất rõ rệt (Haudricourt, 1954, 1984; Benedict, 1984):

1). Gốc từ chung của gia đình Mã Lai Ða Ðảo như Mata (con mắt), Tada (ngực), Bingu (hoa), Langik (trời), Harei (ngày), Malam (đêm), v.v.. Ðây là từ vựng có chung một nguồn gốc ngôn ngữ mà tất cả dân tộc Mã Lai Ða Ðảo như người Mã, Indonesia, Phi Luật Tân, v.v trong đó có người Chăm, Raglai, Churu, Jarai, Eđe đều sử dụng.

2). Gốc từ riêng của ngôn ngữ Chăm như Huak (ăn), Min (trái me), Sang (nhà), Praong (lớn), Nao (đi), Ndih (ngủ), Huic (uống), v.v. vì dân tộc Mã Lai Ða Ðảo không có những cụm từ này trong ngôn ngữ của họ.

Dựa vào danh sách gốc từ riêng biệt của ngôn ngữ Chăm như Ndih (ngủ), Raloaw (thịt), Huic (uống), Sang (nhà), v.v. mà người Hồi Hải Nam đang sử dụng hôm nay, chúng tôi đưa ra kết luận rằng họ là dân tộc Chăm nói tiếng Chăm cổ đại, chứ không phải dân tộc bản địa của Hải Nam nói tiếng Mã Lai Ða Ðảo như một số giả thuyết đã đưa ra.

Nếu dân tộc U Chăn hay U Chăng ở Hải Nam hôm nay không bao giờ nghe đến danh xưng của vương quốc Champa, thì đây cũng không phải là vấn đề đáng nêu ra để phân tích. Vì rằng người Chăm Việt Nam và Campuchia chỉ biết đến tên gọi của vuơng quốc Champa sau ngày ra đời của phong trào Fulro vào năm 1964 qua tổ chức mang tên «Mặt Trận Giải Phóng Champa» mà thôi. Thêm vào đó, tất cả tư liệu viết bằng Akhar Thrah Chăm hiện còn lưu lại trong thôn xóm người Chăm Việt Nam hôm nay cũng không bao nhắc đến tên gọi Champa và cũng không hề đề cập đến những gì đã xảy ra ở miền bắc từ Bình Ðịnh cho đến Quảng Bình của vương quốc này, ngoại trừ địa danh Huế thường lập đi lập lại trong văn chương Chăm. Nhưng đây chỉ là ảnh hưởng trong mối bang giao giữa Champa và triều đình Huế dưới thời nhà Nguyễn mà thôi.

Cách sinh hoạt của người Chăm Hải Nam

Người Chăm tại Hải Nam hôm nay có vào khoảng 6 000 người (Keng-Fong Pang, 1988 : 55, 1996 : 183-207 ; J. Thoraval, 1999 : 49) tập trung trong hai làng mang tên là Huihui và Huixin, gần thành phố Sanya. Họ là người Hồi Giáo chính thống có 6 thánh đường do chính bàn tay của họ xây dựng. Cách ăn mặc của người đàn ông và phụ nữ rất gần gũi với người Mã Lai Hồi Giáo, nhưng hệ thống xã giao và sinh hoạt xã hội rất gần gũi với phong cách của người Chăm ở miền trung Việt Nam hôm nay. Phụ nữ lúc nào cũng có khăn choàng trên đầu biểu tượng cho Hồi Giáo, nhưng rất tự do trong giao tế bên ngoài như phụ nữ Chăm ở Phan Rang và Phan Rí. Người Chăm Hồi Giáo tại Hải Nam có đặt điểm riêng đó là tục ăn trầu, từ giới thanh niên, phụ nữ cho đến người lớn tuổi. Trầu, cau và vôi trở thành sản phẩm trưng bày trên quày bán hàng trong khắp thôn làng.

Người Chăm Hải Nam là cộng đồng chuyên sống về nghề đánh cá, xây dựng nhà cửa, lái taxi và buôn bán. Thôn xóm của họ thường nằm trên một khu vực có biên giới rõ rệt, chỉ dành riêng cho người Chăm của họ mà thôi. Chính vì thế không ai có quyền định cư trong thôn làng của họ, dù người đó là Hồi Giáo đi nữa.

So với người Chăm Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, cộng đồng Chăm Hải Nam có cuộc sống kinh tế phát triển hơn. Nguồn lợi tức của họ có thể so sánh với người Trung Hoa sinh sống tại hòn đảo này. Họ có khách sạn riêng, trường học riêng và đầu tư rất nhiều vào công ty xây dựng nhà cửa cao hơn 10 tầng để thuê lại cho người Chăm. Một số người có cả biệt thự nằm ngay trong thôn xóm.

Islam ở đảo Hải Nam ( Trung quốc ) Untitl19
Khu chung cư của người Chăm Hồi Giáo Hải Nam (Photo: Po Dharma, 14-12-2011)

Họ tự gọi họ là U Chăn hay U Chăng, tức là người Chăm, nhưng Hồi Giáo cấu thành yếu tố tiên quyết để định nghĩa nguồn gốc của dân tộc. Kể từ đó, U Chăn hay U Chăng không thể tách rời ra khỏi cụm từ Hồi Giáo, hay nói một cách khác U Chăn hay U Chăng phải là người theo văn hóa Hồi Giáo. Cũng vì lý do đó, họ rất ngạc nhiên khi biết chúng tôi là người Chăm xuất thân từ vương quốc Champa nhưng không theo đạo Hồi. Ðây cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, vì người Chăm Hồi Giáo sinh sống ở Campuchia và miền tây nam phần Việt Nam cũng có phản ứng tương tự khi nghe đến người Chăm theo đạo Bà La Môn Giáo, Thiên Chúa Giáo hay Tin Lành.


Tàu liệu trích dẩn

Alieva, N., F. : Morphemes in contemporary spoken Cham : qualitative and quantitatives alternations. In: Cahiers de linguistique-Asie orientale, vol. 20, n° 2, 1991, tr. 219-229.

Andaya L., Y. : Leaves of the same tree: Trade and Ethnicity in the Straits of Melaka. University of Hawaii Press, Honolulu, 2008.

Benedict, P. K. : A Cham Colony on the Island of Hainan. In: Harvard Journalof Asiatic Studies, VI, 1941, 129-134.

Claudine Lombard-Salmon : Les Persans à l'extrémité orientale de la route maritime (IIe A. E. -XVIIe siècle). In: Archipel, Volume 68, 2004, tr. 23-58.

Claudine Lombard-Salmon : Les Persans à l'extrémité orientale de la route maritime (IIe A.E. -XVIIe siècle). In: Archipel, Volume 68, 2004, tr. 23-58.

Davidson, J. W. : The Island of Formosa Past and Present. SMC Publishing Co, 1903.

Ferrand, G. : L'empire soumatranais de Çrïvijaya. In : JA, XX, 1922, 1-104.

Gerini, G. E. : Reseaches on Ptolemy’s geography of eastern Asia (Futher India and Indo-Malay Archipelago). In: Asiatic Societies Monographs N. 1, London, 1974.

Haudricourt, A. : Origines asiatiques des langues malayo-polynésiennes. In: Journal de la Société des océanistes,Tome 10, 1954, tr. 180-183.

Haudricourt, A., G. : Tones of some languages in Hainan. In: Minzu yuwen, 4, 1984, tr. 17-25.

Hirth, F. et Rockhill, W. W.: Chau Ju-kua: His Work on the Chinese and Arab Trade in the twelfth and thirteenth centuries, entitled Chu-fan-chi. St-Peters-burg, 1911.

Kuwabara Jitsuzo : The Superintendant of the Trading Ships' Office in Ch'uan-choutowards the end of the Sung Dynasty. In: Memoirs of the Research Department of the Тoyo Bunko, 1935, II, 1-79 ; VII, 1-104.

Lévy R. & Michel, A. : Ennin, Journal d'un voyageur en Chine au IXe s. Paris, 1961.

Marc Brunelle, M. : Tonogénèse, registrogénèse et traits laryngals binaires. In: Cahiers de linguistique-Asie orientale, vol. 28, n°1, 1999, tr. 23-52.

Maspero, G. : Le royaume de Champa. Paris, 1928.

Mohamad Zain Musa : Diaspora Melayu Cam, Persatuan Sejarah Malaysia. Kuala Lumpur, 2011.

Pang Keng-Fong : Being Hui, Huan-nang et Utsat simultaneously, Contextualizing History and Identities of the Austronesian-speaking Hainan Muslims. In: Melissa J. Brown (ed.): Negociating Ethnicities in China and Taiwan, China Research Monograph, Berkeley, University of California, 1996, tr. 183-207.



Pang Keng-Fong : The dynamics of gender, ethnicity and state among the Austronesian-speaking Muslims (Hui/Utsat) of Hainan Island, People's Republic of China. University of California, Los Angeles, 1992.



Pang Keng-Fong; Maddieson, I. : Tone in Utsat. In : Tonality in Austronesian languages, Jerold A. Edmondson and Kenneth J. Gregerson (eds.): Oceanic Linguistics Special, Publication 24, Honolulu: University of Hawaii Press, 1993, tr. 75-89.

Pelliot, P.: Notes on Marco Polo. Paris, vol. II, 1963.

Po Dharma : Note sur les cam du Cambodge In : Seksa Khmer, No 3-4, 1981, tr. 161-183.

Sagart, L. : A new collection of descriptions of languages of China. In: Cahiers de linguistique-Asie orientale, vol. 32 n°2, 2003, tr. 287-298.

Savina F. M. : Monographie de Hainan. Cahiers de la Société de Géographie de Hanoi, n° 17, Hanoi, 1929.

Thoraval, J. : L'usage de la notion d'« ethnicité » appliquée à l'univers culturel chinois. In: Perspectives chinoises, N°54, 1999, tr. 44-59.

Thurgood, G. : Phan Rang Cham and Utsat: tonogenetic themes and variants. In: Jerry EDMONDSON and Ken GREGERSON (eds): Tonality in Austronesian languages, Oceanic Linguistics special publication No 24, Honolulu, University of Hawai'i Press, 1993, tr. 91-106.

Thurgood, G. : From Ancient Cham to modern dialects. Oceanic Linguistics special publication No 28, Honolulu, University of Hawai'i Press, 1999.

Thurgood, G.: From Ancient Cham to modern dialects. Oceanic Linguistics special publication No 28, Honolulu, University of Hawai'i Press, 1999

* Mọi chi tiết xin liên lạc với : champaka1999@aol.com

dinhtoan
Admin

Tổng số bài gửi : 513
Join date : 19/11/2009
Age : 76

https://islamvachungta.forumvi.com

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết